xin chào, thơ ngây của tôi

Tháng 6 bước qua như kẻ lữ hành hờ hững kiệm lời, vẫy chào tạm biệt bằng một ngày không mưa nắng cháy. 

Mình vừa mừng sinh nhật lần thứ 42 cách đây vài ngày, với chồng con trong cái quán đồ ăn Tây mắc lòi mà vị thì nhạt nhách. Nó nhạt như cái cách mình đối đãi với những khát vọng và mơ mộng, sau hơn nửa đời người học cách kiểm soát những thương đau.

Thỉnh thoảng bây giờ ngồi nhìn lại, mình vẫn cảm thấy lạ lẫm với chính bản thân cách đây chỉ 3 năm, chứ đừng nói 30 năm về trước. Mỗi năm tiếp xúc thêm đôi ba nhóm người mới, mình có thói quen nhìn họ bằng đôi mắt của một người đã cũ. Dù còn rất xa mới đến được cảnh giới sông sâu tĩnh lặng, nhưng qua những mùa nắng mưa, lúa vào vụ chín nên dường như đã biết cúi đầu.

Món gà nướng lá thơm Tây giá 88k nhưng vị nhạt dở hơn cả món Gà Rô ti mình làm.

Bạn có biết ký ức của bạn về bản thân luôn sai khác không? Như việc bạn nhớ lại mình lúc 15 tuổi thực sự không hề chính xác như cách bạn sống ở thời điểm đó. (*)

Cho nên, mặc dù mình rất xấu hổ khi đọc lại những dòng status cách đây 10 năm, mình vẫn tin rằng, nếu cỗ máy thời gian có đưa mình trở về ngày tháng ấy, mình chỉ cần mỉm cười, vỗ vai cô Hồng tuổi 25-30 rằng, nè em ơi, cảm ơn em đã từng ngây thơ đến thế. 

Gấu Bi – My best friend during my teenage days

Con gấu bông này mình đã mua đâu đó vào những năm cấp 2, bởi vì cảm thấy cô đơn. Khoảng thời gian dậy thì này, hầu hết chúng ta đều nông nổi. Những cô cậu muốn được chú ý, thể hiện, và trải nghiệm tất cả những điều mới lạ. Đôi khi, một điều gì đó chưa từng hấp dẫn đến mức cám dỗ, nhưng chúng ta ngày trẻ dại vẫn khao khát như thể nó là chiếc găng Thanos. Chỉ là, chúng ta muốn, chúng ta ham muốn thứ mà mình chưa có được. 

Dopamine của bọn trẻ khi ấy cao hơn bất kỳ độ tuổi nào trong đời. Có lẽ vậy.

Sau này già đi, người trưởng thành làm quen với serotonin và cần nó nhiều hơn. Nếu Dopamine, chất dẫn truyền hưng phấn được sản xuất trong não bộ khiến con người có động lực, ham muốn, năng lượng để trải nghiệm khai phá, thì serotonin – chất dẫn truyền cảm giác hạnh phúc lại được sản xuất từ đường tiêu hoá (?), nghe thật là đơn giản và thực tế. Tuy nhiên, serotonin được tạo ra bằng một quy trình vô cùng phức tạp, nó ảnh hưởng trực diện đến cảm xúc và nhiều chức năng tâm lý.

Con gấu vẫn còn nguyên vẹn như 30 năm trước nó về với mình, bầu bạn với mình, và trở thành một phần ký ức thanh xuân, nay chỉ còn là một tấm ảnh mờ. 

Lẽ ra mình đã bỏ quên nó dưới gầm giường nhà mẹ (một thời mình tự coi là nhà mình), nhưng nay được lôi ra bởi lời đề nghị của con gái. Cô con 7 tuổi với hơn 8 vạn 9 nghìn con thú bông trong nhà mình (mà nó đang coi là nhà nó) đã luôn hỏi mẹ có bao nhiêu thú bông khi còn nhỏ. Khi biết rằng mẹ nó chỉ có 1 con thôi, chị ta đã vô cùng tò mò và thắc mắc xem con đó có gì hot hit. Dopamine trong bé con thực tế vẫn còn thấp, nhưng sớm thôi, nó sẽ bùng nổ và hành hạ tâm trí mẹ như cái thời mẹ nổi loạn và hành hạ xúc cảm của bà ngoại vậy.

Những ngày Euro này, mình lại nhớ mình của ngày thơ ngây 18. Yêu Klinsmann tóc vàng, yêu Salto Miro baby face, và yêu những cú ăn penalty khô khan kết liễu nào Ronaldo nào Messi lừng lẫy. Mình biết mình sẽ còn nhớ nó thêm vài chu kỳ Euro World Cup nữa, cho đến khi tuổi già đủ dày để xoá đi những niềm mê đắm cũ. Những thơ ngây từng có trong đời.

Xin chào, tôi vẫn còn nhớ bạn nhiều.

—-

(*) Trích “The Brain: The Story of You” – David Eagleman – Một quyển sách hay.

1 bình luận về “xin chào, thơ ngây của tôi”

Viết một bình luận