Mình đã khóc 3 lần, khi xem Kim Ji Young 1982.
Những đoạn phim rất bình thường, luôn xảy ra đâu đó mọi nơi tại đất nước này, nó không phải là các tuyên ngôn gì ghê gớm, nó chỉ là, kể “một câu chuyện của chúng ta”
Nhiều người bảo rằng đây là một bộ phim về Nữ quyền. Mình thì không thấy chủ đề này rõ nét lắm sau 120 phút ngồi xem. Rạp vắng hoe, có đúng 4 khán giả. Cạnh bên mình là một bạn nữ trẻ, vẻ tomboy, bạn không rút khăn lau nước mắt như mình, nhưng mình thấy bạn có vẻ thấm được gì đó khi bạn rời khỏi rạp.
Mỗi người xem phim này sẽ có những đúc kết và cảm nhận riêng biệt. Bản thân mình không phải là một cây bút chuyên review phim, để đi bóc tách lớp nghĩa của những bộ phim kiểu vậy.
Nhưng bạn biết không, phim này như một đĩa cơm tấm bình thường được dọn ra, không sườn, không ốp la lạp xưởng nên không bắt mắt, không thơm nức mũi, mà ăn muỗng nào là chất lừ muỗng đó. Vị mặn của nước mắm, vị cay của ớt, vị chua của chanh và vị ngọt của đường, tất cả được chan lên những hạt cơm vừa khô vừa vỡ, biến cái cốt tinh bột chán ngán trở thành kỳ lương mỹ vị.
Phim không gượng gạo đưa mấy câu thoại ra vẻ ý nghĩa kiểu phim Việt gần đây mình xem. So sánh thì khập khiễng, mà khập khiễng vẫn phải so sánh, vì có so sánh mới thấy sự chênh lệch đau lòng. Bao giờ phim Việt tìm được một biên kịch xuất sắc hơn? Như việc viết ra câu thoại này.
“Ảnh cũng giúp đỡ em nhiều”
“Giúp đỡ sao? Đó là trách nhiệm của một thằng làm cha”
Mình không phân tích ý nghĩa của câu này đâu. Mình chỉ hỏi, bạn có từng cảm thấy “biết ơn” khi chồng mình (hoặc bố mình) chịu chia sẻ việc nhà, về sớm chăm con, vui vẻ để vợ thoải mái theo đuổi sở thích? Chính cái cảm giác “biết ơn” đó vốn đã khẳng định một sự thật, rằng “bình đẳng nam nữ” sẽ còn rất xa mới có thể chạm đến được ở xứ sở thiên đường này.
Cách đây vài tháng, khi mình làm Content Leader cho một Agency, trong buổi Brainstorm ý tưởng về hình ảnh người phụ nữ vừa Mạnh mẽ vừa Dịu êm, mình đã có đề xuất đưa ra – đó là chuyện một bà mẹ có thể tự làm những việc của đàn ông, như đơn giản là tự đóng đinh treo màn cửa. Ý đồ của mình là chuyển tải khả năng và sắc thái đối lập kỳ diệu từ bên trong của 1 người phụ nữ.
Tuy nhiên, bạn Art Leader, một chàng trai gốc Bắc, đã phản bác rằng “Mạnh mẽ” ở đây không nên phủ nhận vai trò của Đàn ông, mà “Mạnh mẽ” nghĩa là có thể multi-task, vừa đảm đang việc nhà vừa thành công trong công việc. Rồi thì nhãn hàng nọ, với Brand Manager là một phụ nữ, cũng đã đi theo hướng đó.
Thấy không? Họ, cả đàn ông và chính đàn bà hôm nay, vẫn cho rằng người phụ nữ hiện đại hoàn hảo là vừa làm vợ làm mẹ tốt (việc nhà việc cửa) vừa thăng tiến tốt trong công việc. Tại sao lúc nào cũng phải có “đảm việc nhà” mới là người phụ nữ đáng ngưỡng mộ? Bao giờ người ta mới thôi mặc định việc nhà – chăm con là thuộc về phụ nữ? Và việc đóng đinh treo tường sửa điện sửa xe là “vai trò” của đàn ông?

Nói chung, bộ phim không có khán giả vì nó không dành cho những người xem phim để giải trí. Phim lấy nước mắt không phải bằng cái chết và sự chia lìa, không phải là chuyện nhớ thương một tình yêu dang dở. Phim cũng chẳng nói về một người phụ nữ đau khổ, bởi Ji Young bảo, cổ thấy cuộc sống của mình “cũng không phải là quá tệ” mặc dù cổ thường có cảm giác bị “mắc bẫy”. Cái bẫy giăng ra không bởi người chồng- anh Daehyun có đôi mắt hiền khô nhưng ám ảnh, cũng không bởi bà mẹ ruột hay bà mẹ chồng của cổ. Cái bẫy mà mỗi một cô bé sinh ra đã bị vướng vào rồi. Dù là mùa xuân hoa anh đào nở hay mùa đông tuyết trắng, vốn dĩ nó không hề khác nhau.