Trong suốt một quãng thời gian khoảng 2 năm, mình viết truyện như ăn cơm, dù chưa biết chính xác storytelling là gì.
Mình chỉ xây dựng những nhân vật, với tính cách riêng biệt và gần gũi như những người mình đã gặp. Khi viết, mình thường dùng ngôi thứ nhất, cảm giác mình đang sống trong câu chuyện đó và nói chuyện với các nhân vật bằng xương bằng thịt.
Phần lớn những người đã đọc truyện mình qua 3 trang đầu tiên, sẽ đọc hết cuốn sách trong vòng một ngày.
Nhiều người bảo đó là khiếu kể chuyện. Trong văn học, đây là yếu tố cần có của một tiểu thuyết gia. Trong content marketing, gọi là storytelling skill.
…
Thực ra mà nói, kể một câu chuyện đâu có khó gì. Điều dễ thấy là có rất nhiều tác giả truyện trên mạng với lượt xem và theo dõi không hề nhỏ. Những tác giả trẻ bất ngờ, thậm chí ở độ tuổi 13.
Mọi người đều có thể kể chuyện, nhưng không phải ai cũng có thể kể những câu chuyện đủ thôi thúc và/hoặc đủ để nhắc lại.
Nghệ thuật kể chuyện & các trường phái
Có những câu chuyện khiến người ta đọc quên ăn quên ngủ, nhưng cũng có những câu chuyện rất khó đọc liên tục, mà cần thời gian để nghiệm, thư giãn, sống, rồi…mới đọc hết. Cũng có những câu chuyện chỉ cần đọc một lần thôi, nhưng nhớ mãi cả đời.
Mình đã viết truyện theo kiểu đầu tiên, nghĩa là khi bắt đầu đọc sẽ bị cuốn vào đó, rồi thì sẽ phải lật tiếp lật tiếp cho đến hết. Câu chuyện của mình có thể chẳng mang nhiều lớp nghĩa hay giá trị nhân văn cao thâm gì lắm, có thể kết thúc lãng mạn hoặc lãng xẹt, không quan trọng.
Mục tiêu của mình khi kể câu chuyện ấy, là mang lại cho người đọc một cảm giác hứng thú gần gũi, tự nhiên như thể họ đi cùng với các nhân vật qua từng trang sách. Để rồi khi đóng lại, họ có thể tự mình vẽ nên những nhân vật đó, bối cảnh đó, theo trí tưởng tượng riêng của họ.
Storytelling – là kể, chứ không phải là vẽ ra, visualize nó ra rõ ràng như quay phim hay thiết kế. Những hình thức phim truyện hay tranh ảnh chỉ mang tính minh họa , chính câu chuyện mới là cốt lõi và điểm neo sau cùng.
Do đó, cách kể của mình chủ yếu tập trung vào tình huống. Mình ít miêu tả cảnh trí, hay tả thực quá chi tiết về hình dáng một người. Mình chừa phần hình dung lại cho độc giả, nên hạn chế của việc này là khi chuyển thể thành phim, 90% sẽ gây ra thất vọng.
Nếu đã tập trung vào tình huống, thì tình huống đó phải logic và tự nhiên. Mình ghét phim Việt vì sự gượng gạo của tình huống, nó không thật, nó sao chép phim Hàn, phim Trung Quốc và cả phim Thái.
Một cô gái đang ăn bánh mì với bạn mới quen, rồi đột nhiên cầm tờ giấy gói bánh mì-thứ đã được đặt qua 1 bên- lên và đọc mẩu tin trong tờ giấy đó. Really? – mình thực sự đã thốt lên như vậy. Mình không tin. Nó quá thiếu tự nhiên.
Hãy thử nghĩ về hành động và phản ứng của một người ở một tình huống nào đó trong cuộc sống. Với tính cách của anh ta, anh ta sẽ nói gì, làm gì. Xây dựng được tính cách thì bạn sẽ dễ dàng đưa anh ta vào thế trận của mọi sự éo le, drama, gay go một cách “cực kỳ thuyết phục”
Giới tác giả tiểu thuyết đa số là những người có khả năng kể chuyện kiểu này.
Murakami là tác giả thuộc trường phái thứ hai. Đọc hết một quyển Murakami trong thời gian ngắn hẳn phải là một người thật đặc biệt. Mình không đọc Murakami, nên không dám mạn đàm, nhưng mình biết truyện của ổng, phải sử dụng nơ ron thần kinh khá nhiều để cảm thụ ý đồ trong từng câu chữ.
Cuối cùng, một câu chuyện để nhớ cả đời? Không nhiều đâu. Ở Việt Nam mình xếp Cánh đồng bất tận của chị Tư vô danh sách này, nếu không tính đến những tác phẩm được dạy trong chương trình giáo khoa.
Văn học thế giới thì có Hoàng tử bé với Ông già và biển cả. Những câu chuyện sâu sắc khác biệt, một là quá thú vị, một là quá ám ảnh.
Mình có đọc Nhà giả kim, nhưng mình không thấy nó vĩ đại theo kiểu mà người ta vẫn ca ngợi. Cái này tùy cảm nhận, miễn tranh cãi.
Storytelling trong Branding & Marketing
Đã qua rồi cái thời nhà nhà chỉ xem quảng cáo qua Tivi và Báo giấy, chỉ cần 30 giây hoặc ít hơn để nhớ về một thương hiệu. Thời mà Brand Manager thường phải brainstorm hàng chục buổi với team nội bộ và Agency để ra được một kịch bản TVC / Print Ad súc tích, ấn tượng, nói trực diện về tính ưu việt đến “hoàn hảo” của sản phẩm.
Từ khi Internet về với buôn làng, và Facebook thâm nhập vào đời chúng ta như một chuyện tình sét đánh, thế giới quảng cáo khai sinh ra cái gọi là Digital Marketing, trong đó không thể thiếu Social Media – truyền thông xã hội.
Những platform này cho phép Thương hiệu có nhiều thời gian hơn để tiếp cận khách hàng tiềm năng (hiện được gọi là users) bằng cách tỉ tê câu chuyện của họ. Và những vị làm Branding – những Marketers năng động và nhạy bén, bắt đầu nghiên cứu nghệ thuật storytelling sao cho hấp dẫn, mà phải nhớ lâu và nhớ đúng. Thật nguy hiểm khi nhầm lẫn giữa Downy và Comfort hay KFC với Lotteria.
Tất nhiên, kể câu chuyện thương hiệu không giống bạn kể một câu chuyện tình cảm hay trinh thám hấp dẫn. Trường phái Murakami – động não để hiểu thì thường sẽ ít dùng, và trường phái thứ ba, “một câu chuyện-nhớ cả đời” là thứ mà Brand nào cũng khao khát.
Thế nhưng, đâu phải thương hiệu nào cũng có câu chuyện thú vị đủ xuất sắc để kể một lần nhớ mãi không phai? Dù người kể có thể chiêu trò sáng tạo cỡ nào, thì họ vẫn phải tôn trọng sự thật và định vị hình ảnh đúng để còn đi lâu dài.
Tham lam kể một câu chuyện xạo quần hoặc ấn tượng quá mức – bao giờ cũng là con dao hai lưỡi. Và hãy nhớ rằng xử lý khủng hoảng truyền thông không phải là một câu chuyện đơn giản như khi bạn kể nó trước đó.
Trong tình hình này, kể một câu chuyện “to be continued” hoặc “related stories” hẳn là lựa chọn khôn ngoan. Chúng ta có mạng xã hội như một quyển sách – FaceBOOK cơ mà, và có Website như một Trang Nhà để mời gọi khách đến, mang trà rót nước, dọn đĩa bánh ngon, rồi từ tốn, chậm rãi kể câu chuyện của mình.
P/s: Photo by Daniel Schludi on Unsplash
….
Bạn đang cần người kể chuyện?
I visited multiple sites except the audio feature for audi songs existing at
this web site iss genuinely fabulous.
Also visit my blog