Thế giới rồi sẽ ổn thôi

Đã gần 2 tháng mình không đọc quyển sách nào, lần dài nhất là 6 tháng sau khi sinh em bé. Quãng thời gian đó- 24 giờ 1 ngày mình chỉ dành cho con, với những bận rộn vụn vặtnhưng mức độ căng thẳng và mệt mỏi gấp 8 nghìn 9 trăm vạn so với khi mình làm Kế hoạch chiến lược cả năm cho công ty bây giờ.

Quyển sách mới nhất mình đọc là “ Thế giới kết thúc dịu dàng đến thế “của Takuji, trên một chuyến xe giường nằm lên Đà Lạt vào những ngày đầu năm 2020. Lúc này dịch Corona vẫn còn là những thông tin nhỏ lẻ được share trên Facebook với cái tên là bệnh cúm Vũ Hán, và dù nỗi sợ đã bắt đầu nhen nhóm đâu đó, nhưng mình vẫn nghĩ nó là fake news câu like như chuyện đám người cầm đầu gà mặc đồ đen, hay là nhóm bắt cóc trẻ em xuyên biên giới…

Vậy mà chỉ chưa gần hai tháng, Covid-19 trở thành ông kẹ đáng sợ của cả thế giới, ông kẹ khiến đám người lớn hoang mang kinh lên được nhưng bọn trẻ thì chả sợ gì, chúng nó có vẻ thích chí với việc được nghỉ học dài thêm cả tháng, tha hồ ở nhà chơi iPad xem tivi và chẳng phải lo làm bài tập hay dậy sớm đến trường.

Những ngày này phố phường vắng vẻ thoáng đãng hơn chút chút, vì người ta ngại phải ra đường để va chạm vào nhau. Chúng ta cũng không còn nhìn thấy nụ cười của những khuôn mặt người xa lạ, để đôi khi tự xoa dịu lòng mình trong những ngày tồi tệ. Bởi nụ cười kia nếu có, cũng bị che đi sau lớp khẩu trang giá 20 ngàn so với giá 1 ngàn thông thường của nó.

Mọi thứ đều thật lạ lùng. Cảm giác rằng sự thoáng đãng này cũng tốt, nhưng nó tốt vì một thứ xấu xí đang ẩn náu.

Cảm giác rằng người ta không thể cười với nhau cũng thật buồn, nhưng lại đáng lạc quan hơn khi tin họ đang cố tự bảo vệ nhau.

Như là, về những điều tiêu cực ấy, chúng ta vẫn có thể cảm nhận nó theo 1 cách tích cực nào đó.

Trẻ con nghỉ học tránh dịch bệnh, bố mẹ chúng sẽ khổ sở thay nhau nghỉ làm, hoặc gửi cho ông bà, nhưng thực ra  vì thế mà chúng sẽ có nhiều thời gian hơn cho bản thân, gia đình, thay vì một lịch học dày đặc đến ngộp thở. Chúng sẽ có thời gian làm việc nhà, hay về quê, và đọc thêm vài quyển sách.

Trong câu chuyện của Takuji, loài người trên thế giới chấm dứt sự sống khi bị một ánh sáng xanh quét qua. Họ vẫn đang làm gì đó trong cuộc sống thường nhật, và rồi, boom, họ dừng lại, kiểu như khi công chúa Aurora chạm tay vào con thoi trên khung dệt, và mọi người đều ngủ yên để chờ nàng tỉnh giấc. Ánh sáng xanh đó, theo tác giả, có xu hướng nhắm vào khu đông dân cư, thành thị nhiều hơn, nên người ở nông thôn, hẻo lánh lại sống sót lâu hơn.

Ánh sáng xanh có vẻ dịu dàng quá so với đồng chí ông kẹ Covid-19 rồi. Quả thực, nhà văn rất hay vẽ vời mọi thứ, khiến chúng trở nên lãng mạn, dù cho nó có là một ngày tận thế.

À thì, đó là nhiệm vụ của các tiểu thuyết gia – vẽ một hình tam giác có 3 góc nhọn, nhưng được điểm trang bằng những bông hoa. Nó vẫn là 1 hình tam giác, nhưng hiện ra dễ thương ngọt ngào hơn hẳn trong sách toán học phải không?

(photo credit to PNGitem)

Chúng ta luôn có quyền nhìn sự việc theo cách riêng của mình.

Rồi thì thế giới cũng sẽ ổn thôi.

Leave a comment